Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và Triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương. Bộ trưởng cho biết, xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12/2019. Kết quả này đã đưa Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm nay (xuất siêu khoảng 9,9 tỷ USD).
Thị trường trong nước luôn giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng GDP.
Cảng biển trở thành một lợi thế hội nhập giúp Việt Nam tận dụng tốt cơ hôi từ FTA. (Trong ảnh: Tàu BBC Diamond có trọng tải hơn 7.000 DWT cập Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận)
“Nhìn lại quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta có thể nhận thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các cơ hội có được từ các FTAs và các khung khổ hợp tác khu vực và đa phương khác”- Bộ trưởng khẳng định. Các thị trường có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA như Hàn Quốc (tăng 21,6 lần), Ấn Độ (tăng 15,6 lần), Chile (tăng 3,6 lần).
Thời gian qua, các tổ chức quốc tế đã đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ mức 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.
Theo kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường nước ngoài, tỷ lệ bình chọn Việt Nam là điểm đầu tư hứa hẹn đạt 36,4%, tăng 2,5 điểm phần trăm so với năm 2018, qua đó đưa Việt Nam từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3 trong danh sách xếp hạng của JBIC. Trong số 10 thị trường đầu tư hàng đầu đối với doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất. Về triển vọng trong thời gian 10 năm tiếp theo, Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 3 với 34,8%.
Theo Enternews