Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng từ nay đến cuối năm 2020
Với quyết định mở cửa lại một số đường bay quốc tế, các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng sẽ dần phục hồi từ nay đến cuối năm 2020.
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm những thị trường lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh sẽ không có nhiều đột biến. Tuy nhiên, những vùng đất mới nơi đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ từ hạ tầng giao thông sẽ bứt phá mạnh mẽ. Theo đó, một trong những thị trường BĐS phát triển mạnh nhất từ nay đến cuối năm sẽ là Bình Thuận.
Tại Bình Thuận, một trong số những dự án hạ tầng đã và sắp triển khai đang có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản Bình Thuận là sân bay Phan Thiết. Hiện dự án này đã được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy mô từ hơn 5.000 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng, trở thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau Sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Cùng với đó 2 dự án cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đã giải phóng mặt bằng được gần 50%. Trong năm nay, tỉnh sẽ gấp rút đền bù để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, dự kiến trong quý 4/2020 sẽ khởi công dự án.
Ngoài ra, có 3 tuyến đường tỉnh Bình Thuận đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư để phát triển trọng điểm và cấp bách. Đó là đường ĐT719B Phan Thiết - Kê Gà, thiết kế dài 25,4km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đường ĐT719 Kê Gà - Tân Thiện, thiết kế dài 32,4km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Đường ĐT711 có điểm đầu giao Quốc lộ 28 (huyện Hàm Thuận Bắc) cắt ngang Quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT706B, dài 41km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng.
Lý giải về cuộc bùng nổ dự án quy mô tỷ USD tại Bình Thuận, các chuyên gia đều cho rằng trước hết quỹ đất ven biển của tỉnh này đang còn khá lớn, mang nhiều lợi thế cạnh tranh, chứa đựng những yếu tố mới và hiện đại. Thứ hai, Bình Thuận đang tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng một mạng lưới giao thông liên kết vùng quy mô khá lớn.
Bên cạnh đó, định hướng của tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới là chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ, năng lực tài chính mạnh, có tâm và tầm nhằm kiến tạo, xây dựng các khu đô thị, tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao đẳng cấp. Làm sao để kích cầu lượng khách trong nước và quốc tế, gia tăng chi tiêu, thích thú lưu trú lâu hơn và quay trở lại nhiều lần. Bình Thuận cũng đang thực hiện chiến lược phát triển BĐS nghỉ dưỡng về hướng Nam, lấy vùng biển Kê Gà - Hòn Lan làm tâm điểm phát triển và kêu gọi đầu tư.
Theo Nhịp sống kinh tế