Báo Cựu chiến binh: Ý tưởng từ cuộc gặp người mẹ Việt Nam Anh hùng
Xuất phát từ mong muốn hỗ trợ các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trên hành trình tìm lại tên cho thân nhân, một nhóm CCB đã đưa ra ý tưởng thành lập “Quỹ Hỗ trợ giám định ADN hài cốt liệt sĩ” để chung tay hỗ trợ Nhà nước ta trong công tác trả lại tên cho các liệt sĩ. Giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (HCLS) là vấn đề đang được nhiều CCB quan tâm. Phóng viên (P.V) Báo CCB Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với CCB Phan Văn Quý, một trong các thành viên đề xuất ý tưởng nói trên.
P.V: Thưa ông, từ đâu mà các ông đưa ra ý tưởng thành lập Quỹ Hỗ trợ giám định AND, xác định danh tính HCLS?
CCB Phan Văn Quý: Tháng 7-2017, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi đã mời nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước về Hà Nội tham dự chương trình “Sâu nặng ân tình” được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Tập đoàn Thái Bình Dương cùng Báo CCB Việt Nam phối hợp tổ chức. Trong lúc trao đổi, nhiều cụ bày tỏ tâm nguyện: “Mẹ chỉ có một mong muốn duy nhất là trước lúc nhắm mắt xuôi tay, tìm được tên và đưa được hài cốt của con mình trở về với gia đình và quê hương”.
Lời nói của các Mẹ đã thôi thúc chúng tôi - những CCB may mắn được trở về sau chiến tranh phải làm một điều gì đó để đưa đồng đội mình về với gia đình, người thân. Vì vậy, Tập đoàn Thái Bình Dương đã cùng với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Công ty KN Holdings của Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm thống nhất ý tưởng xin thành lập “Quỹ Hỗ trợ giám định ADN HCLS”.
P.V: Các thành viên tham gia Quỹ có kinh nghiệm gì về lĩnh vực này, thưa ông?
CCB Phan Văn Quý: Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước ta, trong nhiều năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã có nhiều việc làm thiết thực trong công tác tri ân liệt sĩ và người có công; Công ty KN Holdings đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện; Tập đoàn Thái Bình Dương là thành viên sáng lập của ba tổ chức xã hội, từ thiện như: Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, Quỹ Tâm Tài Nghệ An và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Gần 10 năm qua, đơn vị chúng tôi đã tham tài trợ cho Chương trình 150 của Chính phủ về giám định ADN, xác định danh tính HCLS.
Qua kinh nghiệm thực tế, chúng tôi nhận thấy mô hình tổ chức Quỹ gọn nhẹ, thực sự mang lại hiệu quả cho công tác xã hội, từ thiện; huy động được nguồn vốn xã hội một cách linh hoạt và trực tiếp mang lợi ích thiết thực tới các đối tượng chính sách được thụ hưởng.
P.V: Trong trường hợp được thành lập, mục tiêu và các hoạt động của Quỹ sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
CCB Phan Văn Quý: Tôi nghĩ, những việc lớn thuộc về chính sách đối với các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là việc tỉm kiếm, quy tập HCLS thì Nhà nước ta - trực tiếp là nhiều Bộ - ngành đã và đang thực hiện đạt được nhiều kết quả. Nhưng công việc đó đang đòi hỏi các đơn vị có liên quan chạy đua với thời gian. Càng chậm thì việc tìm kiếm, quy tập HCLS cũng như giám định ADN để xác định danh tính HCLS càng khó khăn hơn.
Vì vậy, nếu Quỹ được thành lập, chúng tôi sẽ chỉ tập trung hỗ trợ các gia đình, thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tư vấn, hỗ trợ một phần kinh phí để họ có thể tiếp cận nhanh nhất các nguồn thông tin về HCLS. Sau đó, tiến hành giám định ADN HCLS tại các đơn vị, cơ quan Nhà nước có chức năng giám định ADN,
Thứ hai, nguồn kinh phí của Quỹ hoàn toàn là đóng góp từ các thành viên sáng lập và nguồn xã hội hóa, được báo cáo minh bạch theo thủ tục tài chính của pháp luật hiện hành.
P.V: Như vậy, cùng chung tay với Nhà nước và các tổ chức xã hội, từ thiện khác, chúng tôi hy vọng các ông sẽ góp phần để tâm tư nguyện vọng của các người mẹ liệt sĩ nói trên sẽ sớm trở thành hiện thực.
Xin cảm ơn ông và chúc cho dự định của các ông thành công tốt đẹp!
Việt Hưng (thực hiện)
Xem bài viết đầy đủ TẠI ĐÂY.