ĐBQH Phan Văn Quý phát biểu ý kiến về Dự án Luật điều ước quốc tế
Kính thưa: Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa: Quốc hội,
Tôi đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo và những giải trình, tiếp thu của Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật điều ước quốc tế (ĐƯQT) trình ra Quốc hội lần này. Tôi xin góp thêm 2 nội dung sau đây:
Một là, về định nghĩa “Điều ước quốc tế” quy định tại Khoản 1 Điều 2
Khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật quy định: “Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác”.
Tuy nhiên, hiện nay đang còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến hai nội dung: (1) Việc “Các thỏa thuận vay nợ nước ngoài nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ”có được coi là ĐƯQT hay không?(2) Các thỏa thuận vay của các ngân hàng thương mại nước ngoài, có bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam thì sao?
- Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội có nêu: Nếu thỏa thuận vay đáp ứng được các tiêu chí của ĐƯQT được ký kết với chủ thể của luật quốc tế và được điều chỉnh theo luật quốc tế như trường hợp các hiệp định vay Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Áthì do Luật ĐƯQT điều chỉnh.
Vì vậy, để quy định của được Luật rõ ràng, đầy đủ, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “giữa bên ký kết Việt Nam” và cụm từ “nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ của nước họ” vào Khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật và sửa lại khoản này như sau: “Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa bên ký kết Việt Namnhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoàinhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ của nước họ, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác”.
- Về trường hợp vay của ngân hàng thương mại nước ngoài, có bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ. Vì trên thực tế, trường hợp này diễn ra rất nhiều. Nhưng khi bênViệt Nam vay không trả được, Chính phủ Việt Nam đều phải trả thay. Tôi nghĩ, việc Chính phủ bảo lãnh và trả thay là trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam.Do vậy, cần xem xét kỹ hơn về vấnđề này.
Hai là, về bố cục của dự thảo Luật
Dự thảo lần này đã bỏ chương về giải thích ĐƯQT như Luật hiện hành. Tôi đồng ý với ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, đó là: Giải thích ĐƯQT là công việc giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan trong việc thực hiện ĐƯQT, tôi đề nghị:
1. Đối với bên ký kết Việt Nam:Để đảm bảo thống nhất cách hiểu với bên ký kết nước ngoài về cùng một nội dung của ĐƯQT thì ngay từ giai đoạn đàm phán, chúng ta phải lường trước các nội dung liên quan để làm rõ với bên ký kết nước ngoài. Đồng thời, ngay trong ĐƯQT cũng phải có điều khoản quy định rõ về việc giải thích ĐƯQTtrong trường hợp các bên ký kết không thống nhấtcách hiểu về cùng một nội dung của ĐƯQT.
2. Đối với các cơ quan trong nước:Để việc thực hiện ĐƯQTở trong nước được rõ ràng, hiểu đúng nội dung thì vai trò của các cơ quan liên quan là rất quan trọng. Tại Khoản 7 Điều 79 của dự thảo Luật đã quy định: Cơ quan đề xuất có trách nhiệm “Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định cách hiểu và áp dụng quy định của điều ước quốc tế trong trường hợp có sự khác nhau về cách hiểu và áp dụng quy định đó”. Về vấn đề này, tôi đề nghị cần có văn bản hướng dẫn Luật, quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện và thời hạn ra quyết định về thống nhất cách hiểu và áp dụng quy định của ĐƯQT, để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan đến việc áp dụng và thực hiện ĐƯQT.
Kính thưa Quốc hội,
Để ký được ĐƯQT với một hoặc các bên nước ngoài là cả một quá trình đàm phán dài. Tuy nhiên, khi ĐƯQT đã được ký kết thì việc tổ chức thực hiện ĐƯQT đòi hỏi sự tham gia phối hợp của tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan.Tôi xin giữ nguyên đề xuất của mình đã nêu tại kỳ họp trước, đó là: Để tổ chức thực hiện ĐƯQT có hiệu quả thì việc xây dựng, triển khai kế hoạch đồng bộ, khoa học, trong đó khâu tuyên truyền, phổ biến ĐƯQT đến các đối tượng liên quan là một trong những khâu cần được chú trọng. Công tác tuyên truyền tốt, sẽ giúp các đối tượng liên quan nhận thức rõ hơn về các cam kết của các ĐƯQT, cơ hội và thách thức mà Điều ước mang lại, từ đó tận dụng được tối đa lợi thế của mình.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.
ĐBQH. Phan Văn Quý