ĐBQH Phan Văn Quý phát biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi)
Kính thưa: Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa: Quốc hội,
Những năm qua, cùng với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng Điều ước Quốc tế (ĐƯQT) mà nước ta tham gia ký kết ngày càng nhiều. Theo Tờ trình số 559/TTr-CP ngày 21/10/2015 của Chính phủ thì trong khoảng 2.000 ĐƯQT được ký kết trong vòng 10 năm thực hiện Luật ĐƯQT, một số Điều ước chưa đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Có Điều ước không triển khai được vì thiếu cơ sở thực tế, kém khả thi, hoặc do thiếu nguồn lực. Trong khi đó, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT 2005 bộc lộ một số nội dung không còn phù hợp với thực tế. Tôi đánh giá cao Dự thảo Luật mà Ban soạn thảo trình Quốc hội lần này. Sau đây, tôi xin đề cập 3 nội dung là:
Một: Về quy trình ký kết ĐƯQT
Theo Khoản 5 Điều 2 của dự thảo Luật, việc ký kết ĐƯQT bao gồm: đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập ĐƯQT hoặc trao đổi văn kiện tạo thành ĐƯQT.
Tại Chương II của dự thảo Luật đã quy định cụ thể từng bước công việc cần triển khai, yêu cầu của từng công việc và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong quy trình ký kết ĐƯQT.
Riêng quy định về chuẩn bị đàm phán ĐƯQT tại Điều 9 của dự thảo Luật còn mang tính chung chung. Theo tôi, cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về việc xây dựng phương án đàm phán, cơ chế phân công nhiệm vụ và phối hợp giữa các cơ quan liên quan tham gia vào quá trình đàm phán. Ngoài ra, hồ sơ trình về việc đàm phán tại Điều 11 của dự thảo Luật quy định còn đơn giản, cần nghiên cứu điều chỉnh để đảm bảo tính logic, kết nối với các giai đoạn tiếp theo của quá trình ký kết ĐƯQT.
Hai: Về trình tự, thủ tục rút gọn tại Chương VII
Tôi cho rằng, việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc đàm phán, ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT là cần thiết. Đối với các ĐƯQT, có nội dung tương tự về cùng lĩnh vực với ĐƯQT mà chúng ta là thành viên, ĐƯQT theo mẫu, hoặc ĐƯQT phục vụ nhu cầu đối ngoại theo quy định tại Khoản 1, Điều 78 của dự thảo Luật, việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong đàm phán và ký kết sẽ giúp chúng ta giảm bớt thời gian, tiết kiệm chi phí và nguồn lực, đồng thời đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của việc ký kết và thực hiện ĐƯQT của nước ta trong từng thời kỳ.
Với quy định tại Điều 79 và Điều 80 của dự thảo Luật về việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT mà những sửa đổi, bổ sung, gia hạn chỉ mang tính kỹ thuật, thì sẽ tạo sự linh hoạt và phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hiện nay.
Tuy nhiên, khi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc đàm phán, ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT, chúng ta cũng cần có những quy định chi tiết hơn để việc triển khai được hợp lý, tránh những sơ hở, rủi ro có thể xảy ra.
Ba: Về tổ chức thực hiện ĐƯQT tại Chương V
Về cơ bản, dự thảo Luật đã quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến việc lập, triển khai kế hoạch và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện ĐƯQT.
Điều 68 Trách nhiệm của cơ quan đề xuất trong việc thực hiện ĐƯQT, về Mục 5: Cơ quan này chủ trì tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến ĐƯQT. Thực tiễn cho thấy, công tác tổ chức triển khai thực hiện ĐƯQT, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến ĐƯQT đến các đối tượng liên quan là rất quan trọng. Công tác tuyên truyền tốt, sẽ giúp các đối tượng liên quan nhận thức rõ hơn về các cam kết của các ĐƯQT, cơ hội và thách thức mà Điều ước mang lại.
Ví dụ, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chúng ta đã tham gia ký kết và chuẩn bị có hiệu lực, chương trình VTV và các phương tiện thông tin đại chúng khác đã kịp thời phổ biến, tạo ra sự chú ý, quan tâm đặc biệt của các đối tượng liên quan. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có chương trình, hành động như: định hình lại chiến lược, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm phát huy tối đa lợi thế của mình khi Hiệp định có hiệu lực.
Tuy vậy, tại một số Điều ước khác, công tác tuyên truyền chưa kịp thời, tần suất quảng bá chưa cao, chưa đa dạng nên các đối tượng liên quan không nắm được đầy đủ vấn đề, từ đó không tận dụng được tối đa lợi thế của mình. Do vậy, để tổ chức thực hiện ĐƯQT có hiệu quả thì việc xây dựng, triển khai kế hoạch đồng bộ, khoa học, trong đó khâu tuyên truyền, phổ biến ĐƯQT đến các đối tượng liên quan là một trong những khâu cần được chú trọng.
Kính thưa Quốc hội,
Tại Tờ trình 559/TTr-CP ngày 21/10/2015, Chính phủ đã nhấn mạnh: Để phục vụ lợi ích của đất nước, việc thực hiện chủ trương: Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đòi hỏi một quy trình ký kết ĐƯQT phải nhanh chóng, linh hoạt và cẩn trọng. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT 2005 là việc làm cần thiết.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.
ĐBQH. Phan Văn Quý