ĐBQH Phan Văn Quý phát biểu đóng góp vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Kính thưa: Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa: Quốc hội,
Về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tôi xin góp ý 3 vấn đề sau:
Một là: Về hình “Phạt tiền” quy định tại Điều 35 và Điều 77 của Dự thảo.
- Tại Khoản 3 Điều 35 và Khoản 3 Điều 77 của dự thảo đang quy định theo hướng mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài chính của người phạm tội, nhưng không được thấp hơn 1 triệu đồng, đối với cá nhân và không được thấp hơn 10 triệu đồng, đối với tổ chức kinh tế phạm tội.
Việc quy định mức phạt tiền cần xét đến tình hình tài chính của cá nhân, tổ chức phạm tội đã thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước ta. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức phạt tiền không được thấp hơn 1 triệu đồng, đối với cá nhân và không được thấp hơn 10 triệu đồng, đối với tổ chức kinh tế phạm tội, là chưa phù hợp với tình hình hiện nay.
- Bởi vì, tại Khoản 3 Điều 30 của Bộ Luật Hình sự năm 1999, việc quyết định mức phạt tiền cần căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó cần xét đến “sự biến động của giá cả”. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 35 của dự thảo Bộ luật lại bỏ nội dung này.
- Riêng yếu tố hình phạt về kinh tế, tại Khoản 1 Điều 179 Bộ Luật Hình sự năm 1999, quy định người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, thì phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Còn theo Khoản 1 Điều 210 Dự thảo sửa đổi lần này thì người nào trong hoạt động tín dụng ngân hàng, mà cố ý gây hậu quả nghiêm trọng, thì phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng. Thời gian Bộ Luật Hình sự năm 1999 đến Dự thảo sửa đổi lần này 16 năm, số tiền tăng lên 10 lần.
Như vậy, qua phân tích trên, chúng ta thấy rằng, nếu không tính đến “biến động giá cả” thì không phù hợp với thực tế, không tạo nên sức răn đe, vì dòng đời luật thường dài, giá cả thị trường biến động theo chiều hướng đi lên, nên tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ “sự biến động giá cả” vào Khoản 3 Điều 35 và Khoản 3 Điều 77 của Dự thảo lần này và cần có quy định cụ thể của cụm từ “sự biến động giá cả”.
Hai là: Bổ sung một số từ ngữ tại Điều 210 của Dự thảo.
- Việc thay Điều 179 của Bộ luật Hình sự năm 1999, bằng Điều 210 của dự thảo lần này, là phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng hiện hành.
- Tuy nhiên, để từ ngữ sử dụng trong điều luật được chính xác và thống nhất, tôi đề nghị sửa đổi một số cụm từ quy định tại Khoản 1 Điều 210, cụ thể là:
Về Điểm b Khoản 1: Thay cụm từ “không được cấp phép” bằng cụm từ “không được phép cấp tín dụng theo quy định” và sửa lại điểm này như sau:
- Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được phép cấp tín dụng theo quy định.
Về Điểm e Khoản 1: Tôi đề nghị bỏ cụm từ “về cho vay trong hoạt động tín dụng” và sửa lại điểm này như sau:
- Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng.
Vì, ngân hàng ngoài nghiệp vụ cho vay còn nhiều nghiệp vụ khác như đầu tư, chuyển tiền, thanh toán… Việc sửa đổi như trên sẽ bao quát và điều chỉnh được nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động ngân hàng.
Ba là: Cần minh bạch, có ranh giới rõ ràng về các khái niệm:
Điều 210 của Dự thảo lần này, phân định hậu quả vi phạm thành: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết hậu quả thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, trong trường hợp cấp tín dụng không có bảo đảm. Do đó, dễ dẫn đến lỗi của một số tổ chức tín dụng, cá nhân trong hoạt động cấp tín dụng không có bảo đảm, mới chỉ đến mức hành chính thì đã bị khởi tố hình sự.
Chẳng hạn, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay tín chấp, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì do thiếu quy định hướng dẫn, nên nhiều tổ chức tín dụng còn lúng túng, e ngại việc cho vay tín chấp, dẫn đến một số chủ trương lớn của Nhà nước trong thực tế thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Tại buổi đóng góp ý kiến về kinh tế - xã hội ngày 4/6 vừa qua, tôi đã đề cập vấn đề này. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) khi Bộ luật này có hiệu lực, một lần nữa, tôi đề nghị cần giao cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để thông qua cùng với Bộ luật này. Trong đó, cần có nội dung hướng dẫn chi tiết về cấp tín dụng không có bảo đảm quy định tại Điều 210 của dự thảo Bộ luật này.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.
ĐBQH Phan Văn Quý