ĐBQH Phan Văn Quý đóng góp ý kiến về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần
Kính thưa: Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa: Quốc hội,
Tôi đồng ý về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.
Liên quan đến việc sửa đổi Điều 60 Luật BHXH năm 2014 về BHXH một lần, tôi xin được phân tích 3 nội dung sau đây:
Một là: So sánh quy định về BHXH một lần của Luật BHXH năm 2014 với Luật BHXH năm 2006, có thể thấy Điều 55 Luật BHXH 2006 chỉ có ưu điểm là tạo điều kiện linh hoạt cho người lao động lựa chọn phương thức nhận bảo hiểm. Trong khi đó, quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014 thể hiện nhiều ưu điểm hơn, cụ thể:
- Khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động, để được hưởng lương hưu hàng tháng, nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội.
- Trường hợp không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người lao động có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, để đủ điều kiện hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động.
- Khi người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng, thì quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động.
- Trong thời gian bảo lưu đóng bảo hiểm xã hội hoặc trong thời gian hưởng lương hưu, nếu không may người lao động qua đời, thì thân nhân của người lao động được hưởng chế độ tử tuất theo quy định.
- Giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trong việc hỗ trợ những người không có lương hưu và nhân sự của bộ máy giải quyết yêu cầu BHXH một lần của người lao động.
Hai là: Về quyền lợi vật chất của người lao động.
Trên cơ sở quy định của Luật BHXH năm 2014 về hưởng lương hưu hàng tháng và hưởng BHXH một lần, chúng tôi đã đặt ra một số giả định và tính toán. Cụ thể:
- Giả định người lao động là Nữ giới, làm việc cho doanh nghiệp ngoài Nhà nước, có thời điểm đóng BHXH từ ngày 01/01/2014, tỷ lệ đóng BHXH của người lao động theo quy định là 8% mức tiền lương tháng, mức lương bình quân đóng BHXH là 5 triệu đồng/tháng.
- Kết quả cho thấy:
+ Nếu lựa chọn BHXH một lần: Người lao động sẽ được hưởng BHXH là 2 tháng, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng bảo hiểm, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 60. Tổng tổng số tiền nhận BHXH một lần cho 20 năm đóng BHXH mà người lao động được nhận là 200 triệu đồng.
+ Nếu tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình làm việc, để được hưởng lương hưu: Với giả định thời gian nghỉ hưu của người lao động là 20 năm kể từ năm 2014, khoảng thời gian được hưởng lương hưu sau khi về nghỉ hưu dự kiến là 15 năm thì tổng mức lương hưu tính theo khoản 2 Điều 56 họ được hưởng là 495 triệu đồng.
Như vậy, nếu người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình làm việc, để được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì lựa chọn nhận BHXH một lần, thì tổng mức lương hưu của người lao động được hưởng sẽ cao hơn 248% so với mức nhận BHXH một lần.
Ba là: Nhìn tổng thể, Luật BHXH 2014 đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Vậy tại sao một bộ phận người lao động lại không đồng tình?
Luật BHXH 2006 có một số lỗ hổng mà người sử dụng lao động có thể lách để giảm phí đóng BHXH, nhưng Luật BHXH 2014 được kết cấu chặt chẽ. Cho nên, người sử dụng lao động phải đóng đúng và đủ phí BHXH. Do đó, việc một bộ phận người lao động không đồng tình, có thể do người lao động chưa nhận đầy đủ thông tin về quyền lợi của mình, hay xuất phát từ người sử dụng lao động? hoặc từ yếu tố nào khác?
Qua những phân tích và so sánh nêu trên, tôi xin kiến nghị:
- Cần giao các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích và lấy ý kiến của người lao động về Điều 60 của Luật BHXH 2014.
- Đề nghị nội dung các văn bản dưới luật phải cụ thể hóa được pháp luật về BHXH. Có chế tài đủ mạnh yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động và người lao động phải đóng BHXH đầy đủ và đúng hạn. Ngăn ngừa các hành động vi phạm pháp luật, giảm tỷ lệ đóng BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và quỹ BHXH của Nhà nước.
- Do Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/1/2016, nên tại kỳ họp này tôi đề nghị Quốc hội chưa nên thông qua việc sửa đổi Điều 60, mà chờ Chính phủ tiến hành khảo sát, có ý kiến đề xuất để Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Kính thưa Quốc hội,
Điều 60 Luật BHXH năm 2014 không những phù hợp với thông lệ quốc tế, thể hiện được tính nhân văn trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta, mà còn mang lại quyền lợi lâu dài và bền vững cho người lao động. Nếu chúng ta giành thêm thời gian để khảo sát và đánh giá lại thì tôi tin rằng người lao động sẽ hiểu và nhiều khả năng sẽ ủng hộ quy định mới của Luật BHXH năm 2014.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.
ĐBQH. Phan Văn Quý