ĐBQH Phan Văn Quý đóng góp ý kiến vào Đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014
Kính thưa: Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa: Quốc hội,
Tôi nhất trí với Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong những tháng còn lại của năm 2015, tôi xin làm rõ thêm 3 nội dung sau đây:
Một là: Cần tăng cường xây dựng lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong những năm qua, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân nước ta đã có đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân của nước ta còn khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng.
Để phát triển lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và phân tầng doanh nghiệp, có cơ chế phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp.
Trước yêu cầu của hội nhập quốc tế, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận đầy đủ thông tin về các hiệp định, về thị trường và cần khuyến khích lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân bằng hình thức lấy một năm làm năm doanh nghiệp, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất.
Hai là: Cần hoàn thiện hệ thống giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, giá cả phù hợp sẽ khuyến khích sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong những năm qua, các mặt hàng thiết yếu như: sữa, xăng dầu, điện luôn luôn là mối quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là giá điện.
Hiện nay, việc cung cấp điện và giá điện cho vùng biên giới, hải đảo đã được Chính phủ quan tâm đặc biệt. Thang bảng giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt của chương trình dân sinh tương đối hợp lý. Trong đó, giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ chính sách, hộ nghèo, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, giá bán điện phục vụ cho sản xuất cần có điều chỉnh hợp lý, theo Quyết định 63-2013 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình buôn bán điện cạnh tranh tại Việt Nam. Những ngành sử dụng cường độ điện cao, cần nên hài hòa giữa giá điện và lợi ích của Nhà nước, khuyến khích những đơn vị này sớm đổi mới công nghệ. Năm 2014, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu chiếm gần 70%, tổng giá trị của cả nước. Do vậy, khi tính giá điện cho các doanh nghiệp FDI, chúng ta cần tính tới lợi ích của Nhà nước, vì giá điện cho sản xuất của nước ta còn thấp, so với nhiều nước trong khu vực.
Như vậy, để nền kinh tế của đất nước phát triển một cách cân bằng, chúng ta cần kiên trì các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế, tiệm cận với thông lệ quốc tế, nhằm hình thành hệ thống giá thị trường.
Ba là: Cần rà soát các luật liên quan để sửa đổi và có cơ chế đồng bộ nhằm tháo gỡ nút thắt tín dụng về cho vay tín chấp.
Cho vay tín chấp là biểu hiện của sự tiến bộ và văn minh trong lĩnh vực kinh doanh. Theo một lãnh đạo Ngân hàng HSBC Việt Nam, ở các ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ cho vay tín chấp chiếm khoảng 80% dư nợ tín dụng.
Ở nước ta, ngoài một số các doanh nghiệp Nhà nước, còn việc cho vay tín chấp là một vấn đề xa lạ. Tôi lấy ví dụ: Năm 2012 khi kinh tế nước ta ở trong tình trạng đặc biệt khó khăn, lạm phát và nợ xấu tăng cao; Đại biểu Trần Du Lịch đã ví nợ xấu như “cục máu đông” làm tắc nghẽn thị trường tín dụng. Tuy nhiên, “cục máu đông” này hiện nay cơ bản đã tan chảy. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đã được thông thoáng, nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng: “ngân hàng thừa tiền, còn doanh nghiệp thiếu vốn”. Nhiều doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, mong muốn tham gia đầu tư vào những dự án hạ tầng lớn và có tính khả thi cao, nhưng không vay được vốn, vì hết tài sản thế chấp. Cho vay thế chấp, là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11 ngày 21/5/2014 và Chỉ thị số 25 ngày 13/8/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản số 5342 ngày 24/7/2014, khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay tín chấp, nhưng trên thực tế, các tổ chức tín dụng vẫn ngại mở rộng cho vay tín chấp, do các quy định của pháp luật hiện hành chưa rõ ràng và đồng bộ.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã và đang thảo luận, cho ý kiến để thông qua một số luật, trong đó có Bộ Luật Hình sự sửa đổi, liên quan đến lĩnh vực cho vay tín chấp. Do vậy, tôi đề nghị cần rà soát lại các điều luật liên quan, để sửa đổi cho phù hợp. Đồng thời, cần có cơ chế đồng bộ, để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đối với lĩnh vực cho vay tín chấp.
Về phía khách hàng và ngân hàng thương mại, chúng tôi nghĩ, hai bên ngoài củng cố đạo đức nghề nghiệp, cần có cách tiếp cận phù hợp, xây dựng lòng tin, để hướng tới các tiêu chí cho vay tín chấp theo thông lệ quốc tế, như: (1) Khách hàng có uy tín cao; (2) Có phương án kinh doanh khả thi; (3) Tình hình tài chính lành mạnh; (4) Nhân sự ổn định, đặc biệt là nhân sự cấp cao và (5) Ngân hàng quản lý dòng tiền chặt chẽ cho từng món vay.
Kính thưa Quốc hội,
Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy nền kinh tế cả nước đã có một số chuyển biến tích cực như: Phân bổ nguồn lực đầu tư công có trật tự và hiệu quả hơn; Hệ thống Ngân hàng thương mại từng bước được cấu trúc lại; Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đẩy mạnh đầu tư. Với nhiều giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ, chúng ta tin rằng các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2015, mà Chính phủ đề ra sẽ đạt được và là cơ sở để phát triển cho những năm tiếp theo.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.
ĐBQH Phan Văn Quý