ĐBQH Phan Văn Quý đóng góp vào Luật thuế GTGT, TTĐB và Luật quản lý Thuế
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa Quốc hội,
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, tôi xin đề cập 2 nội dung sau đây.
Một là về sự cần thiết phải ban hành luật, như chúng ta đã biết Luật thuế giá trị gia tăng và Luật quản lý thuế đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung và mới có hiệu lực thi hành chưa lâu, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) thì đến ngày 1/1/2016 mới có hiệu lực nhưng đến nay đã có một số vấn đề yêu cầu cần tiếp tục sửa đổi các luật này. Điều này cho thấy chúng ta cần đánh giá lại tổng thể thị trường trong và ngoài nước, các điều kiện của các hiệp định song phương và đa phương mà nước ta đã tham gia, từ đó đề ra các chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng chính sách thuế, như thế sẽ tạo sự chủ động cho việc ban hành luật, đồng thời đảm bảo sự ổn định trong chính sách về thuế, tránh ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù vậy để giải quyết bài toán tình thế này chúng ta cần phải xem xét, sửa đổi luật về thuế nêu trên bởi 3 lý do sau đây:
Một, đảm bảo phù hợp với những cam kết quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gi vì theo một số Hiệp định mà chúng ta đã ký. Thuế nhập khẩu được cắt giảm mạnh, cơ cấu về 0% vào năm 2018 và các năm sau đó tùy theo từng loai hàng hóa.
Hai, tiếp tục thực hiện chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
Ba, tăng cường công tác quản lý thuế, khắc phục tình trạng gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng để khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế tại Điều 3.
Một, về xóa các khoản nợ thuế, tiền phạt của người nộp thuế tại doanh nghiệp Nhà nước, Khoản 2. Tôi cho rằng quy định này là chưa phù hợp, vì việc xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa như dự thảo luật sẽ dẫn đến không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Trong quá trình cổ phần hóa việc mua, bán doanh nghiệp nhà nước phải theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp được chuyển đổi phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp trước đó. Vì vậy, cần tính đúng, tính đủ số nợ thuế vào giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Mặt khác, theo quy định của Khoản 4, Điều 196, Khoản 4, Điều 197, Khoản 3, Điều 198 của Luật doanh nghiệp năm 2004 - 2014. Khi cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu thì công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ và quyền, lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ. Gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghiệp vụ khác của công ty chuyển đổi. Do đó, quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu phải pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ thuế, tiền phạt này là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Hai, về tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế, Khoản 3 và Khoản 4. Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với việc giảm mức phạt chậm nộp tiền thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức phạt chậm nộp là 0,03%/ngày, tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương với 10,95% năm như dự thảo chưa phù hợp, vì tỷ lệ này thấp hơn so với mức lãi suất của các ngân hàng thương mại, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chây lỳ, chậm nộp thuế. Do vậy, tôi đồng ý với ý kiến của một số đại biểu đã đề xuất nên quy định tỷ lệ tính tiền chậm nộp theo mức bằng 0,04% ngày, tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương 14,6% năm là hợp lý, vì tỷ lệ này thấp hơn mức quy định của luật cũ nhưng cao hơn với mức lãi suất của các ngân hàng thương mại, nên sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nộp thuế đúng hạn.
Kính thưa Quốc hội, trong những năm tới nền kinh tế nước ta có thể sẽ còn tiếp tục đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức khi tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu, trong khi năng lực cạnh tranh của nhiều ngành sản xuất trong nước còn thấp, giá trị thương hiệu chưa cao. Do vậy, việc xem xét sửa đổi, bổ sung đối với các luật, trong đó có các luật về thuế để phù hợp với tình hình mới là rất cần thiết. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.