ĐBQH Phan Văn Quý gửi ý kiến về “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế” đến Bộ trưởng Bộ Tài chính – Đinh Tiến Dũng
Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng
Trước hết, tôi xin gửi tới Bộ trưởng lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng.
Như có lần tôi đã trao đổi với Bộ trưởng bên hành lang Quốc hội, trong buổi thảo luận chiều ngày 15/11/2014, tôi đăng ký nhưng hết thời gian nên không đến lượt phát biểu.
Tôi nhận thấy việc sửa đổi Luật thuế lần này là hết sức cần thiết. Trong bài phát biểu chuẩn bị của tôi có đề cập đến một số vấn đề, đặc biệt tôi rất quan tâm đến giảm thuế cho những doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở dạy nghề và đầu tư vào năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện tích năng và những doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho những dự án đầu tư trong lĩnh vực này.
Tôi xin gửi tới Bộ trưởng nguyên văn bài phát biểu tôi đã chuẩn bị. Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo của Dự án Luật này, kính mong Bộ trưởng xem xét một cách thấu đáo. Tôi hy vọng nếu chính sách ưu đãi thuế cho những vấn đề tôi đề nghị được áp dụng, sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, để khai thác tiềm năng con người Việt Nam và tiềm năng thiên nhiên của Đất nước.
Trân trọng./.
ĐBQH.PHAN VĂN QUÝ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nội dung bài phát biểu đóng góp ý kiến vào “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế”
Kính thưa: Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa: Quốc hội,
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật thuế, tôi xin làm rõ và đề nghị một số nội dung sau:
1 - Về sự cần thiết của việc ban hành Luật:
Theo tôi, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế là cần thiết và phù hợp với thực tế của nền kinh tế của nước ta hiện nay. Bởi vì, việc ban hành Dự án Luật này sẽ khắc phục được những bất cập hiện hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua thời kỳ hậu khủng hoảng. Những nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật sẽ góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, là đòn bẩy thu hút nguồn lực đầu tư vào nền kinh tế, vào một số ngành, lĩnh vực mà nền kinh tế nước ta đang cần, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển có tính lan tỏa.
2 - Về Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp:
Trong 5 Luật được sửa đổi, bổ sung lần này là: Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân, Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tài nguyên và Luật quản lý thuế; tôi xin đi sâu về Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Về Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp tập trung vào ưu đãi đối với một số dự án đầu tư như: dự án đầu tư mới thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dự án đầu tư có quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng, dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Theo tôi, các nội dung sửa đổi, bổ sung này là cần thiết.
Chẳng hạn, đối với công nghiệp hỗ trợ, những quy định này sẽ khuyến khích khả năng sản xuất trong nước và xuất khẩu, khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm toàn cầu, giảm tỷ lệ nhập siêu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển.
Tuy vậy, tôi nhận thấy băn khoăn với thời gian ưu đãi quá dài và tôi thống nhất với ý kiến thẩm định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là: “Việc áp dụng thuế suất trong thời gian ưu đãi dài đối với các dự án đặc biệt cần thu hút đầu tư là quá dài, cần nghiên cứu thu hẹp thời gian ưu đãi”.
3 - Tôi đề nghị bổ sung thêm điểm g vào cuối điểm e Khoản 2 Điều 1 của Dự thảo Luật:
Kính thưa Quốc hội,
Trong phiên thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Luật dạy nghề tại kỳ họp này, nhiều Đại biểu lo lắng tới năng suất lao động của người Việt Nam. Việc năng suất lao động của chúng ta thấp do nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là khâu đào tạo. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư thường quan tâm đến các tiêu chí như: (1) Chính trị - xã hội ổn định; (2) Chính sách ưu đãi của nhà nước; (3) Hạ tầng giao thông xã hội; và (4) Nguồn nhân lực giá rẻ. Trong các tiêu chí này, 3 tiêu chí đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á tương đối giống nhau, riêng tiêu chí về nhân lực thì Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn.
Vì vậy, để thu hút đầu tư, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động, việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào các cơ sở dạy nghề là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần xem xét áp dụng khấu trừ thuế đối với các khoản chi của doanh nghiệp tài trợ cho cơ sở dạy nghề giống như kinh phí tài trợ cho giáo dục, y tế hoặc khắc phục hậu quả thiên tai...
Ngoài ra, như chúng ta đã biết, tiềm năng về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện tích năng của nước ta rất phong phú, nhưng chúng ta chưa tận dụng khai thác hết. Trong khi đó, các dự án điện khí, điện than đã và đang được khai thác hiệu quả. Tôi cho rằng, điện khí và than nếu chưa khai thác hết thì vẫn còn là của để giành cho con cháu, nhưng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện tích năng nếu không khai thác ngay thì “gió vẫn thổi về với trời và nước vẫn chảy về với biển”. Như vậy, tiềm năng trời phú cho chúng ta sẽ bị lãng phí. Do đó, cần áp dụng chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện tích năng và doanh nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ cho những dự án đầu tư trong lĩnh vực này.
Như vậy, tôi đề nghị bổ sung điểm g vào cuối điểm e Khoản 2 Điều 1 của Dự thảo Luật này như sau: “Thu nhập của doanh nghiệp từ việc thực hiện dự án đầu tư vào cơ sở dạy nghề, dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện tích năng và thu nhập của doanh nghiệp từ việc sản xuất thiết bị phục vụ cho đầu tư vào năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện tích năng”.
Kính thưa Quốc hội,
Chúng ta cần xem Luật thuế là công cụ đòn bẩy để kích thích đầu tư, điều chỉnh giá cả thị trường. Lĩnh vực nào cần khuyến khích hoặc đặc biệt khuyến khích đầu tư thì áp dụng thuế suất thấp, thậm chí là áp dụng thuế suất bằng 0. Khi chính sách thuế sử dụng hết dư địa mà giá đầu ra chưa hợp lý thì chúng ta mới xem xét, vận dụng chính sách trợ giá. Tôi tin rằng, tại kỳ họp này, Quốc hội chúng ta thảo luận và thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật thuế không những tạo ra được bước đột phá trong việc xây dựng thể chế, mà là cơ sở góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển một cách cân bằng và ổn định hơn. Trong dài hạn, những việc làm này có thể góp phần tạo ra bước đột phá lớn cho nền kinh tế của đất nước.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.
ĐBQH.PHAN VĂN QUÝ